1. Khái niệm nồng độ
Trong dung dịch lỏng bao gồm chất tan và dung môi. Để biểu diễn mối quan hệ giữa lượng chất tan với dung môi/ dung dịch người ta dùng khái niệm nồng độ.
Khi lượng chất tan có trong dung dịch càng lớn thì nồng độ càng cao và ngược lại. Khi nồng độ đạt giá trị cao nhất ở những điều kiện môi trường nhất định khi dung dịch bão hòa (ta không thể thêm chất tan vào dung dịch). Nếu chất tan được thêm vào dung dịch bão hòa thì nó không tan được nữa mà xảy ra hiện tượng kết tinh.
Chúng ta có thể điều chỉnh nồng độ dung dịch tăng/giảm bằng cách thêm chất tan/ dung môi. Muốn tăng nồng độ dung dịch thì thêm chất tan hoặc giảm dung môi, ngược lại nếu muốn giảm nồng độ thì thêm dung môi hoặc giảm chất tan.
2. Phân loại nồng độ
Khác với các hợp chất hóa học, tính chất của dung dịch phụ thuộc nhiều vào thành phần của nó. Sau đây là những cách biểu diễn chính thành phần dung dịch.
a. Nồng độ phần trăm theo khối lượng cho biết số gam chất tan có trong 100g dung dịch
Nồng độ phần trăm khối lượng = số gam chất tan x 100% / số gam dung dịch
b. Nồng đội mol cho biết số mol chất tan có trong một lít dung dịch. Nồng độ mol có đơn vị là mol/lit và thường viết tắt là M
Nồng độ mol = số mol chất tan / số lít dung dịch
c. Nồng độ đương lượng gam (còn gọi là nồng độ nguyên chuẩn) cho biết số đương lượng gam chất tan có trong một lít dung dịch. Nồng độ đương lượng gam có đơn vị là đlg/lit và thường viết tắt là N
Nồng độ đương lượng gam = số đương lượng gam chất tan / số lít dung dịch
d. Nồng độ molan cho biết số mol chất tan có trong 1 kg dung môi
Nồng độ molan = số mol chất tan / số kg dung môi
e. Phần mol (tức phân số mol) của một chất là tỉ số giữa số mol của cấu tử chia cho tổng số mol chất có trong dung dịch
xA = số mol chất A / tổng số mol chất
Nồng độ mol được sử dụng khá phổ biến, Tuy nhiên, khi nhiệt độ thay đổi thì nồng độ mol của dung dịch sẽ thay đổi. Ví dụ nồng độ của một dung dịch nào đó ở 25oC là 1M do kết quả của sự tăng thể tích có thể sẽ thành 0,97M tại 45oC. Nồng độ molan và phân số mol của một dung dịch không phụ thuộc vào nhiệt độ nên được dùng cho những trường hợp như trường hợp định luật Raoult. Phép phân tích thể tích sử dụng nhiều nồng độ đương lượng gam vì ở đây định luật đương lượng được áp dụng triệt để.