1. Định nghĩa
Chất điện li là những chất tan trong nước tạo thành dung dịch dẫn điện được.
Vậy : Muối, bazơ và axit thuộc loại chất điện li.
Một chất điện li hay chất điện giải là một chất được điện li khi hòa tan trong các dung môi điện li thích hợp như nước. Theo cách giải thích này, chất điện li bao gồm đa số các muối tan trừ các muối của Hg (HgCl2, Hg(CN)2,...), các axít và bazơ. Một số khí, như hidrô clorua, dưới các điều kiện nhiệt độ cao hay áp suất thấp cũng có thể hoạt động như các chất điện giải. Các dung dịch điện giải cũng có thể là kết quả từ sự hòa tan một số các polyme thiên nhiên (ví dụ như ADN, các polypeptide) và polyme nhân tạo (ví dụ như polystyrene sulfonate), được gọi là các polyelectrolyte, chứa các nhóm chức tích điện thế.
2. Phân loại
Để đánh giá độ mạnh yếu của chất điện li người ta dùng khái niệm độ điện li α
Có 2 loại chất điện li Chất điện li mạnh và chất điện li yếu
a. Chất điện li mạnh
- Chất điện li mạnh là chất khi tan trong nước, các phân tử hòa tan đều phân li ra ion.
- Chất điện li mạnh có α = 1
- Chất điện li mạnh bao gồm: các axit mạnh HCl, HNO3, H2SO4…., các bazo mạnh như NaOH, KOH, Ba(OH)2, Ca(OH)2… và hầu hết các muối.
- Phương trình điện li của chất điện li mạnh: dùng dấu mũi tên 1 chiều chỉ chiều của quá trình điện li
H2SO4 → 2H+ + SO42-
b. Chất điện li yếu
- Chất điện li yếu: là chất khi tan trong nước chỉ có một phần số phân tử hòa tan phân li ra ion, phần còn lại vẫn tồn tại dưới dạng phân tử trong dung dịch.
- Độ điện li của các chất điện li yếu nằm trong khoảng 0 < α < 1.
- Chất điện li yếu gồm: các axit yếu, các bazo yếu…
- Phương trình điện li của các chất điện li yếu: dùng dấu mũi tên 2 chiều
Mg(OH)2 Mg2+ + 2OH-
* Lưu ý: Sự điện li của chất điện li yếu là quá trình thuận nghịch. Cân bằng điện li được thiết lập khi tốc độ phân li ra ion và tốc độ kết hợp các ion thành phân tử là bằng nhau. Cân bằng điện li là cân bằng động, cũng có hằng số cân bằng K và tuân theo nguyên lí chuyển dịch cân bằng Lơ Sa-tơ-li-ê, giống như mọi cân bằng hóa học khác.
- Ảnh hưởng của sự pha loãng đến sự điện li: Khi pha loãng dung dịch, độ điện li của các chất điện li đều tăng. Do sự pha loãng khiến cho các ion (+) và (-) của chất điện li rời xa nhau hơn, ít có điều kiện va chạm vào nhau để tạo lại phân tử, đồng thời sự pha loãng không làm cản trở đến sự điện li của các phân tử.