1. Nội dung
Phân tích khối lượng (còn gọi là phương pháp cân) là phương pháp xác định hàm lượng các chất dựa vào khối lượng của sản phẩm ở dạng tinh khiết chứa thành phần của chất cần phân tích được tách ra khỏi các chất khác có trong mẫu.
2. Phân loại
Qúa trình tách có thể được thực hiện theo nhiều cách khác nhau, có khi phải trải qua những biến đổi lý học, hóa học cần thiết. Việc phân loại phương pháp chủ yếu dựa trên phương pháp này.
2.1. Phương pháp kết tủa
Thực hiện bằng cách: Cho thuốc thử kết tủa vào dung dịch có chứa chất cần xác định để tạo ra kết tủa hoàn toàn với chất cần phân tích. Tách kết tủa ra khỏi dung dịch, rửa, sấy (hoặc nung) đến khối lượng không đổi. Từ khối lượng này tính ra hàm lượng chất cần xác định.
Dạng kết tủa tạo thành sau phản ứng kết tủa gọi là dạng tủa. Dạng tủa cuối cùng sau khi sấy (hoặc nung) đến khối lượng không đổi gọi là dạng cân. Dạng tủa và dạng cân có thể giống nhau nhưng cũng có thể khác nhau. Ví dụ định lượng Na2SO4
BaCl2 + Na2SO4 = BaSO4 + NaCl
2.2. Phương pháp bay hơi
Một hay nhiều hợp phần của mẫu được làm cho bay hơi
2.2.1. Phương pháp trực tiếp
Chất cần xác định được cân sau khi làm bay hơi mẫu.
Ví dụ:
- Xác định hàm lượng CO2 trong muối carbonat, ta cho muối đó phản ứng với acid để giải phóng CO2. Khí CO2 này được hấp thụ vào bình đựng CO2. Sự tăng khối lượng của bình này trước và sau khi làm hấp thụ là khối lượng CO2 đã giải phóng.
- Xác định hàm lượng chất rắn toàn phần của nước tự nhiên: làm bốc hơi một thể tích nước xác định trong cốc đã biết khối lượng, cặn còn lại trong cốc được sấy khô. Từ khối lượng tăng lên của cốc ta tính được hàm lượng chất rắn toàn phần của nước.
- Xác định lượng bụi trong không khí: người ta cho một thể tích không khí xác định qua phễu lọc đã biết khối lượng, sau đó cân phễu lọc, ta tính được hàm lượng bụi có trong không khí.
2.2.2. Phương pháp gián tiếp
Ở đây, ta xác định lượng chất trước khi bay hơi và lượng cặn còn lại sau khi bay hơi để suy ra khối lượng chất đã bay hơi.
Ví dụ:
- Xác định độ ẩm của mẫu thuốc, Dược điển VN cũng như một số nước dùng phương pháp bay hơi và gọi là: giảm khối lượng do sấy khô"
- Với thuốc khó bị nhiệt phân hủy: thường sấy ở 100-150oC
- Với thuốc dễ bị nhiệt phân hủy: làm khô ở nhiệt độ thường trong bình hút ẩm có P2O5 hay H2SO4 đặc.