I. DUNG MÔI – CHẤT TAN - DUNG DỊCH
Xăng hoà tan được dầu ăn, tạo thành dung dịch. Nước không hoà tan được dầu ăn. Ta nói :
Xăng là dung môi của dầu ăn, nước không là dung môi của dầu ăn.
Kết luận
- Dung môi là chất có khả năng hoà tan chất khác để tạo thành dung dịch.
- Chất tan là chất bị hoà tan trong dung môi.
- Dung dịch là hỗn hợp đồng nhất của dung môi và chất tan.
II. DUNG DỊCH CHƯA BÃO HOÀ. DUNG DỊCH BÃO HOÀ
Ở một nhiệt độ xác định :
- Dung dịch chưa bão hoà là dung dịch có thể hoà tan thêm chất tan.
- Dung dịch bão hoà là dung dịch không thể hoà tan thêm chất tan.
III. LÀM THẾ NÀO ĐỂ QUÁ TRÌNH HOÀ TAN CHẤT RẮN TRONG NƯỚC XẢY RA NHANH HƠN ?
Muốn quá trình hoà tan xảy ra nhanh hơn, ta thực hiện các biện pháp sau :
1. Khuấy dung dịch
Sự khuấy làm cho chất rắn bị hoà tan nhanh hơn, vì nó luôn luôn tạo ra sự tiếp xúc mới giữa chất rắn và các phân tử nước.
2. Đun nóng dung dịch
Đun nóng dung dịch làm cho chất rắn bị hoà tan nhanh hơn. Vì ở nhiệt độ càng cao, các phân tử nước chuyển động càng nhanh, làm tăng số lần va chạm giữa các phân tử nước với bề mặt chất rắn.
3. Nghiền nhỏ chất rắn
Kích thước của chất rắn càng nhỏ thì chất rắn bị hoà tan càng nhanh, vì gia tăng diện tích tiếp xúc giữa chất rắn với các phân tử nước.
1. Dung dịch là hỗn hợp đồng nhất của dung môi và chất tan.
2. Ở nhiệt độ xác định :
a) Dung dịch chưa bão hoà là dung dịch có thể hoà tan thêm chất tan.
b) Dung dịch bão hoà là dung dịch không thể hoà tan thêm chất tan.
3. Muốn chất rắn tan nhanh trong nước, ta thực hiện 1, 2 hoặc cả 3 biện pháp sau:
-Khuấy dung dịch.
- Đun nóng dung dịch.
- Nghiền nhỏ chất rắn.